NGAO CHẰN

140,000₫

NGAO CHẰN

Ngao chằn hay nghêu chằn có tên tiếng Anh là Lamellate venus shell, tên khoa học Antigona lamellaris hoặc Venus lamellaris, thuộc chi Antigona/Venus, họ Veneridae, liên họ Veneroidea, bộ Veneroida. Ngao chằn chỉ là một loại ngao có vỏ sần, vân lồi lõm trong hằng hà sa số các loại ngao đầy đủ màu sắc, kích thước, hoa văn và hình dạng rất khác nhau như hình tròn, tam giác, hình trứng, hình nửa trái tim…xuất hiện phổ biến khắp các vùng biển ven bờ. Ở Việt Nam, người ta nhận thấy ngao chằn sinh sống chủ yếu ở biển Tuy Phong - tỉnh Bình Thuận và rải rác ở một số tỉnh miền tây.

Trên thế giới, họ ngao (nghêu) Veneridae có khoảng hơn 500 loài, phân bố rộng ở vùng bãi triều ven biển các nước nhiệt đới và ôn đới. Trong đó có nhiều loài có giá trị và được sử dụng trong thực phẩm, thịt và vỏ đều được sử dụng làm thuốc trong Đông y chữa trị được nhiều bệnh chứng.

Thịt nghêu cũng là loại thực phẩm có tác dụng kích thích tình dục giống như các loại động vật thân mềm hai mảnh vỏ như ngao, hàu, trai, sò… vì ở chúng có chứa những hợp chất có tác dụng giải phóng hormon tình dục mỗi khi ăn vào được cơ thể hấp thu. Thật vậy, trong hàng thế kỷ nay, người ta đều tin rằng các loài nhuyễn thể thân mềm như ngao, trai, sò… có những đặc tính kích thích tình dục. Những hợp chất như D-Aspartic acid và NMDA (N-methyl- D-aspartate) ở các loại động vật có vỏ hai mảnh đã kích thích tiết ra testosterone và estrogen ở con người mỗi khi ăn chúng.

Nghêu thích sống ở bãi triều trên vùng biển cạn. Ở Việt Nam, người ta đặt tên rất nhiều loại như: ngao trắng, ngao vân, ngao lụa, ngao vằn, ngao dầu, ngao 2 cồi, ngao giấy, ngao hoa... Chất đáy nơi nghêu phân bố là cát pha bùn (tỷ lệ cát thích hợp là 60 - 70%) hay sống vùi trong đáy cát bùn của vùng triều, chủ yếu ở giải triều giữa và dưới triều, có thể gặp ở độ sâu 4m. Trong tự nhiên chưa gặp loài này ở vùng đáy bùn, đáy rắn chắc.

Nghêu là động vật ăn lọc, không có khả năng chủ động săn mồi và chọn lọc thức ăn, 90% thức ăn là mùn bã hữu cơ, còn lại là sinh vật phù du-chủ yếu là tảo silic, tảo giáp, tảo lam, tảo lục và tảo kim. Nghêu ăn và tăng trưởng mạnh từ tháng thứ hai đến tháng thứ năm. Mưa lũ làm giảm độ mặn, khiến nghêu ít ăn và chậm lớn. Các tháng mùa mưa lũ và sau mùa lũ có độ muối nhạt, chúng phải ngậm vỏ, không ăn một thời gian dài trong ngày, độ no thấp.

Trong ống tiêu hoá của nghêu thấy: mùn bã hữu cơ 75-90%, còn lại là sinh vật phù du chủ yếu là tảo Silic phù du: Bacillariopyceae (90-95%), tảo giáp Dinophyceae (3,3-6,6%), tảo lam, tảo lục, tảo kim mỗi loại từ 0,8-1,0%.

Nghêu sinh trưởng theo mùa, đặc biệt là vào mùa mưa, chất hữu cơ từ các cửa sông đổ ra nhiều, nghêu mau lớn, sinh trưởng nhanh. Nghêu là loài phân tính đực cái riêng, chưa gặp hiện tượng lưỡng tính. Khi tuyến sinh dục thành thục, nó căng lên như hai múi bưởi, màu nâu nhạt. Số trứng trong noãn sào con cái 3.168.000 - 8.650.000, trung bình 5.362.000 trứng trong một cá thể. Đây là loài sinh sản quanh năm, nhưng tập trung vào tháng 1 đến tháng 2 và tháng 7 đến tháng 8. Tỷ lệ đực cái trung bình 1:1, 5. Một con nghêu cái có thể đẻ hàng triệu trứng một lần. Đẻ trung bình 5 triệu trứng/cá thể. Ấu trùng nghêu sống trôi nổi trong nước một thời gian thì hình thành vỏ rồi chìm xuống đáy. Con non sẽ rúc xuống lớp bùn cát khoảng 1 cm.

Nghêu "cám" bé bằng nửa hạt gạo, vỏ mỏng, dẹp, nặng 0,04-0,07 g (15.000-25.000 con/kg) vùi sâu xuống cát khoảng 1 cm, lên kiếm ăn theo thủy triều và thường bị sóng cuốn và dòng triều đưa đi tương đối xa, có khi dạt lên cao, bị phơi khô mà chết. Sau khoảng hơn 1 tháng, nghêu cám lớn thành nghêu giống, nặng 0,16-0,20 g (5.000-6.000 con/kg), vỏ đã tương đối cứng, có thể đem ươm ở các bãi.

Khi nghêu tăng trưởng, khối lượng thịt tăng chậm hơn so với vỏ. Cứ 100 kg nghêu cỡ 35–37 mm (45-50 con/kg), ta thu được 7,7-8,3 kg thịt; nhưng với 100 kg nghêu to cỡ 49–50 mm (19-21 con/kg) thì chỉ thu được 6,7-7,3 kg thịt.

Trong môi trường tự nhiên, loài nghêu có thể sống tới 450 năm, gấp 6 lần tuổi thọ của con người. Các nhà khoa học đã căn cứ vào số vòng trên nắp vỏ của chúng để xác định tuổi thọ. Đã có phát hiện trường hợp một con nghêu ở ngoài khơi Iceland có tuổi thọ từ 405 đến 410 tuổi nhưng trong khi các tế bào chưa có dấu hiệu lão hóa. Nó được đặt tên là Con nghêu nhà Minh (đặt tên này là vì nó được sinh ra trong thời gian nhà Minh đang trị vì tại Trung Quốc). Các nhà nghiên cứu cho biết căn cứ vào số lượng vòng trên vỏ, họ đã xác định được tuổi của con nghêu này. Trước đây kỷ lục Guinness cho một con vật sống lâu nhất thuộc về một con nghêu Bắc Băng Dương được tìm thấy năm 1982 có tuổi đời 220 năm.

Ở Việt Nam, nghêu được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển như Biển Đồng Châu, Tiền Hải - Thái Bình; Tiền Giang (Gò Công Đông); Bến Tre (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú); Trà Vinh (Cầu Ngang, Duyên Hải); Sóc Trăng (Vĩnh Châu); Bạc Liêu (Bạc Liêu, Vĩnh Lợi, Ngọc Hiển); ven biển Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và một số tỉnh duyên hải Bắc và Trung bộ.

Một số loại nghêu phổ biến ở Việt Nam:

- Meretrix lyrata (nghêu Bến Tre): Phân bố ở vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, từ Đài Loan đến Việt Nam (duyên hải Nam bộ). Môi trường sống của nghêu là các bãi có chất đáy cát bùn, chịu được độ mặn từ 7-25 ‰. Hình dạng: vỏ hình tam giác, nghêu lớn có chiều dài 40-50mm, chiều cao 40-45mm và chiều rộng 30-35mm. Tại Việt Nam, nghêu Bến Tre được khai thác tháng 2 đến tháng 5, hiện đang được nuôi rộng rãi ở các tỉnh ven biển Nam bộ. Có thể ăn tươi hoặc dùng để hấp, luộc, nướng.

- Paphia undulata (nghêu lụa): Có hình bầu dục dài, dài 54 mm, cao 30 mm, rộng 16 mm, mặt nguyệt rõ ràng, da vỏ láng, mặt vỏ có nhiều vân phóng xạ màu tím gấp khúc dạng hình mạng lưới. Phân bố tập trung ở vùng biển Kiên Giang và Bình Thuận, từ vùng dưới triều đến vùng biển nông, đáy bùn cát. Mùa vụ khai thác: từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau.

- Meretrix meretrix (ngao dầu, ngao vạng): Vỏ có dạng hình tam giác, da vỏ màu nâu, trơn bóng. Ngao lớn có chiều dài 130mmm, cao 110mm, rộng 58mm. Tại Việt Nam, ngao dầu được phân bố tập trung ở các vùng biển thuộc các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Bến Tre, Tiền Giang. Ngao dầu được khai thác trong tháng 10-12, hiện đã được nuôi ở vùng biển Thái Bình, Thanh Hoá, Nam Định.

- Meretrix lusoria (ngao vân): sống ở đáy cát, độ sâu 1 – 2m nước, sống vùi trong cát từ 3–4 cm, dùng ống hút nước đê lấy thức ăn từ bên ngoài. Hình thái: vỏ hình tam giác, con lớn có thể dài 62mm, cao 49mm, rộng 28mm. Da vỏ láng màu vàng sữa, hoặc màu vàng hơi tím. Phân bố chủ yếu ở vùng biển Nghệ An và Phú Yên.

Thịt nghêu là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon được nhiều người ưa thích (chiếm 56% protein tính theo trọng lượng khô). Nghêu sinh trưởng rất nhanh, sức sinh sản lớn, sản lượng khai thác hàng năm tương đối cao, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, chính vì thế chúng trở thành đối tượng kinh tế của ngư dân vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long làm cho nghề nuôi nghêu phát triển, tuy vậy cũng cần đặt ra vấn đề khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn lợi này.

Các món ăn từ nghêu rất có ích cho sức khỏe (do có nhiều chất dinh dưỡng), tăng cường đề kháng, phòng ngừa bệnh Alzheimer và bệnh thiếu máu do thiếu sắt, tổn thương các khớp, viêm khớp xương, chống loãng xương, giúp điều tiết nồng độ đường trong máu; có ích cho hoạt động của tuyến giáp và hoạt động tình dục… Trong 100 g thịt nghêu có chứa 10,8 g chất đạm, 1,6 g chất béo, nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm (180 mg), sắt (24 mg), calcium, mangan, đồng, i-ốt, selen… và các vitamin B1, B6, B12, C. Tuy nhiên, những người tì vị hư hàn (thường đi tiêu lỏng, ăn uống kém, bụng đầy hơi, chậm tiêu) thì không nên ăn nghêu. Không chỉ vậy, nghêu còn giàu giá trị dinh dưỡng, giúp cơ thể bổ sung nhiều chất và tăng cường khả năng chống bệnh.

Một số công dụng của nghêu:

- Giúp ngăn chặn bệnh Alzheimer và bệnh thiếu máu

- Chống bệnh viêm khớp

- Tăng cường hệ miễn dịch

- Giúp điều tiết nồng độ đường trong máu

- Giúp răng lợi khỏe mạnh

- Tốt cho tuyến giáp

- Giàu chất riboflavin

- Tăng cường hoạt động tình ái

- Giàu kali

- Tốt cho người ăn kiêng và bệnh tim.